Các yếu tố ảnh hưởng tới công tác tạo động lực

5 years ago

Động lực trong lao động là kết quả tổng hợp của các yếu tố có thể nằm bên trong con người và bên ngoài con người hay các yếu tố thuộc về môi trường.

      a. Các yếu tố thuộc bản thân

      – Hệ thống nhu cầu của con người: Mỗi một con người có một hệ thống nhu cầu khác nhau từ nhu cầu cơ bản (ăn, mặc,ở, đi lại…) đến nhu cầu cao ( học tập, quan hệ xã hội, nghỉ ngơi, giải trí…). Tại một thời điểm nào đó, nhu cầu mạnh nhất trong hệ thống nhu cầu của cá nhân sẽ thúc đẩy cá nhân đó hành động. Đây là yếu tố sâu xa nhất, quan trọng nhất tạo nên động lực.

      – Mục tiêu và các giá trị của cá nhân: Mỗi một cá nhân khi hoạt động đều có mục tiêu của mình. Cùng một công việc hay một vấn đề, do có sự khác nhau về mục tiêu và giá trị thực hiện giữa các cá nhân nên sẽ tạo ra động lực cao hay thấp khác nhau.

      – Quan điểm thái độ của người lao động trước một sự việc nào đó: Tùy thuộc vào thái độ của con người tiêu cực hay tích cực, lạc quan hay bi quan mà dẫn đến các mức độ động lực khác nhau.

      – Khả năng, năng lực của từng người: Các đặc điểm riêng của cá nhân (có thể do bẩm sinh hoặc hình thành từ quá trình làm việc như tính tình luôn vui vẻ, ham thích làm việc hoặc tính chây lỳ, thụ động trong quá trình làm việc…) có ảnh hưởng tới động lực của cá nhân đó.

      b. Các yếu tố thuộc về môi trường

   Bên cạnh sự ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về con người. Động lực của con người còn chịu tác động của các yếu tố thuộc về môi trường. Các yếu tố thuộc về môi trường bao gồm: những yếu tố thuộc về công việc và những yếu tố thuộc về tổ chức.

      ² Những yếu tố thuộc về công việc:

      – Kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc

      – Mức độ chuyên môn hoá của công việc

      ² Những yếu tố thuộc về tổ chức:

      – Công việc phù hợp là một điều kiện để người lao động làm việc tốt

      – Văn hoá của tổ chức: là đặc trưng mang tính chất về tinh thần, về lối sống do truyền thống, tập quán, thói quen, mục tiêu và các giá trị chung của tổ chức, đã tạo nên bầu không khí tâm lý xây dựng của tổ chức đó. Làm việc trong một bầu không khí tâm lý lành mạnh sẽ tạo ra một động lực cao đối với mọi người. VHDN chính là “ Linh hồn của DN” nghĩa là tiềm thức của một tổ chức. Một mặt nó được tạo ra từ mối quan hệ của các thành viên trong DN. Mặt khác nó lại điều khiển mối quan hệ đó với danh nghĩa là “ Chương trình của tập thể”

      – Tác phong lãnh đạo (kiểu lãnh đạo): có ảnh hưởng to lớn đến tinh thần thái độ của người lao động hay bầu không khí tâm lý chung của tập thể, tổ chức, doanh nghiệp. Tuỳ theo phong cách lãnh đạo độc đoán, dân chủ, tự do của người lãnh đạo mà có thể kích thích, khai thác được tiềm năng, sức sáng tạo của người lao động đối với công việc.

      – Các chính sách về nhân sự và việc thực hiện các chính sách đó: Các chính sách về nhân sự như thù lao lao động, chế độ làm việc nghỉ ngơi, các quy định quy chế, đánh giá thực hiện công việc, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Việc xây dựng và thiết kế các chính sách về nhân sự có hợp lý hay không và cách thực hiện như thế nào cũng ảnh hưởng rất lớn đối với người lao động vì công việc, quyền lợi của họ ở đó.

      – Cơ cấu tổ chức: Nếu cơ cấu tổ chức được thiết lập hợp lý, người lao động thấy rõ được nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của mình, từ đó có thái độ ý thức hơn đối với công việc, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc.

      – Thể chế và các yếu tố xã hội: Đề cập đến các quy định về pháp luật, các chính sách và phúc lợi về xã hội đối với người lao động, làm cho họ thấy được vị trí của mình như thế nào, quyền và lợi ích của mình như thế nào tạo tâm lý yên tâm làm việc, lao động.

admin