Đặc trưng của mô hình Keiretsu

5 years ago

Đặc trưng quan trọng nhất của Keiretsu là việc tạo ra mối liên kết hàng ngang giữa các công ty làm ăn với nhau bằng phương thức xâm nhập sâu qua mua cổ phần của đối tác. Phương thức này đặc biệt phổ biến trong quan hệ sản xuất giữa nhà sản xuất và các nhà thầu phụ của họ. Một Keiretsu có cấu trúc theo kiểu Tập đoàn gồm nhiều công ty thành viên. Các công ty này xoay quanh một định chế tài chính (thường là một ngân hàng). Định chế tài chính vừa là cổ đông lớn của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn, vừa đóng vai trò cấp tín dụng hoặc đảm bảo tính thanh khoản cho các công ty thành viên. Vì vậy, trong mỗi Keiretsu, định chế tài chính tham gia cả vào quá trình quản trị, hoạch định chiến lược, kiểm soát hoạt động của các công ty thành viên để đảm bảo tất cả các công ty thành viên thuộc Tập đoàn liên kết với nhau thành một thể thống nhất, gia tăng sức mạnh của từng thành viên nói riêng và cả Tập đoàn nói chung.

Việc tổng hợp thành một khối thống nhất còn giúp các công ty thành viên tránh được nguy cơ bị thôn tính. Có nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh của các Keiretsu, trong đó phải nhắc đến trước tiên là nguyên tắc nắm quyền kiểm soát nội khối. Các công ty thành viên trong Keiretsu duy trì việc sở hữu chéo cổ phần của nhau (thường ở mức 2% – 5%) và cam kết không chuyển nhượng số cổ phần này. Tổng số cổ phần được sở hữu chéo bởi các công ty thành viên trong một công ty thành viên thường chiếm tới 15% – 20% vốn điều lệ của công ty thành viên đó. Đồng thời lãnh đạo của định chế tài chính và các công ty thành viên trong Tập đoàn luôn luôn có sự trao đổi mật thiết với nhau thông qua hình thức "Câu lạc bộ các chủ tịch" hoặc luân phiên điều chuyển nhân sự cao cấp giữa các công ty thành viên. Các Keiretsu bao giờ cũng cân nhắc rất kỹ lưỡng khi chọn công ty làm đối tác chiến lược. Cổ phần của các công ty thành viên trong Keiretsu thường được nắm giữ bởi những tổ chức lớn. Những tổ chức này cam kết không chuyển nhượng số cổ phần mà mình nắm giữ bằng những thoả thuận "nắm giữ cổ phần ổn định". Hệ quả là khoảng 60% – 80% số cổ phần của các công ty thành viên trong Keiretsu chưa bao giờ được mua bán.

Riêng điều này đã đảm bảo "an toàn" cho các công ty thành viên trong Keiretsu tránh khỏi sự "tấn công" của các đối thủ và những người bên ngoài. Trong Keiretsu luôn có sự hợp tác nội bộ Tập đoàn. Đó cũng là cách để tăng cường sức mạnh của Keiretsu. Mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên được củng cố bởi các giao dịch nội bộ với doanh số lên tới 30% – 50% doanh số của các công ty thành viên. Ngoài các giao dịch nội bộ, sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty thành viên trong Keiretsu còn được thể hiện ở chiến lược hợp tác toàn diện từ khâu nghiên cứu đến sản xuất, bản quyền, marketing và PR… Các công ty thành viên trong Keiretsu còn chủ trương duy trì mối quan hệ hợp tác với các đối thủ cạnh tranh lớn trong nước. Họ mua từ các đối thủ và cũng bán cho các đối thủ, chia sẻ công nghệ, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển đồng thời phối hợp các giao dịch của họ với đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Về mặt công nghệ, Keiretsu tạo ra một sự phối hợp nghiên cứu và hỗ trợ chéo trong hệ thống, tạo thuận lợi cho công nghệ mới phát triển nhanh và rộng giữa các nhánh công nghiệp. Đây chính là một lợi thế mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Nhật Bản bứt phá về công nghệ thời kỳ phát triển kinh tế sau chiến tranh. 

admin