Đi về đâu trên bản đồ thế giới để truy tìm kiến thức?
6 years ago
Sự lựa chọn về điểm đến luôn rất khó khăn đối với những ai có ý định du học. Đi về chốn nào đừng quá đắt đỏ để không phải lao vào cảnh màn trời chiểu đất nếu lỡ mai không trả nổi tiền nhà? Ở đâu thuận tiện cho việc làm thêm mà khoảng cách giữa trường học và chỗ làm đừng quá xa xôi? Quốc gia nào đủ bao dung đón nhận đứa con xa lạ mà không phân biệt đối xử? Học ở đâu mà chỉ nghe đến tên đất nước đó thôi cũng đủ khiến kẻ đối diện ngả mũ thán phục… Tin tôi đi, lựa chọn điểm đến sẽ định hình một phần cuộc sống du học; và thậm chí là quyết định một phần những thay đổi về định hướng cả cuộc đời và sự nghiệp của bạn sau này.
Có rất nhiều người; đặc biệt là phụ huynh; thường chọn điểm đến theo uy tín của các nhóm trường học như một đảm bảo của chất lượng. Nhóm Ivy League tập hợp 8 trường đại học tư nhân hàng đầu nước Mỹ (Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Pennsylvania, Princeton và Yale), nổi trội về chất lượng đào tạo xuất sắc, sở hữu một loạt danh sách những cựu sinh viên hiện là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp, quốc gia trên thế giới và nổi tiếng với mức học phí cao ngất ngưởng.
Nhóm Russell gồm 20 trường đại học nổi tiếng hàng đầu Anh quốc về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, với định hướng liên kết với các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp, mang lại cho sinh viên cơ hội học tập trong môi trường gần gũi với thực tế. Cũng tại nước Anh, các trường đại học được chia thành bốn nhóm chính là Ancient, Red brick, New và open với từng đặc điểm khác nhau. Chẳng hạn, nếu bạn hâm mộ các trường đại học lâu đời, có gốc gác từ thời Trung cổ và Phục hưng thì vào học ở các trường nhóm Ancient (Oxford, Cambridge, St Andrews, Aberdeeen, Glasgow, Edinburgh và Dublin), hoặc những ai dam mê lĩnh vực kỹ thuật sẽ quan tâm hơn đến 6 ngôi trường nhóm Reb brick (Gạch đỏ) gồm Birmingham, Bristol, Leeds, Liverpool, Manchester và Sheffield, ra đời từ những thành phố công nghiệp thời Victoria…
Sau các nhóm trường đại học, mọi người đổ dồn sự quan tâm đến các bảng xếp hạng. Nổi tiếng nhất là xếp hạng các trường đại học thế giới THE -QS, vốn là kết quả cái bắt tay của Báo Times Higher Education và công ty Quacquarelli Symonds. Đến năm 2010, THE và QS đã ngừng hợp tác và mỗi “phe” bắt đầu cho ra bảng xếp hạng của riêng mình.
Xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới của Times và xếp hạng các trường đại học thế giới của QS trở thành hai bảng xếp hạng được trông mong nhất. ít được quan tâm hơn, nhưng cũng dần thể hiện được uy tín của mình là bảng xếp hạng của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải với sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, bảng xếp hạng học thuật các trường Đại học trên thế giới (ARWU), US.News & World Report, xếp hạng Vanguad College Rankings, hệ thống The Princetion Review…
Nhưng mỗi bảng xếp hạng sẽ lại có một tiêu chí đánh giá riêng, thế nên “phong độ” của trường đại học có thể cao thấp thất thường ngay cùng trong một niên khóa. Chẳng hạn, trong năm 2013, vị trí cao nhất của bảng xếp hạng Times Higher Education thuộc về California Institute of Technology còn ở bảng xếp hạng QS thì trường này lại tuốt luốt tận vị trí thứ 10. Điều này khẳng định, “giỏi toàn diện” chỉ là một phạm trù đánh giá của Việt Nam. Những trường đại học có thể mạnh về ngành kỹ thuật nhất quyết không phải là chốn bạn nên gửi gắm sự nghiệp học văn của mình. Vậy nên chẳng phải cứ vào được trường tốt ở những nước lớn là đã thành công.