Hải Phòng khó khăn trong việc sử dụng nguồn lao động xuất khẩu
6 years ago
Mặc dù sau khi nhiều năm làm việc ở nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động, nhưng sau khi về nước với vốn kinh nghiệm, thái độ và kĩ năng nhưng họ lại khó tìm việc làm tại Hải Phòng. Đây là một vấn đề nhức nhối cần được giải quyết kịp thời.
Có tay nghề vẫn khó tìm việc làm là thực trạng đang xảy ra tại Hải Phòng. Đáng lẽ với những lao động có tay nghề vững và được rèn luyện tác phong công nghiệp như vậy, khi về nước họ sẽ tìm được một công việc phù hợp. Như trường hợp của anh Trần Đức Hiệp, đường 5/11, phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) sau 5 năm trở về nước. Tại Nhật Bản anh làm nghề sơn tàu điện với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Vậy mà khi trở về nước, anh nghĩ sẽ dễ tìm việc làm tại Hải Phòng, nhưng đáp lại anh là những lời từ chối hoặc với mức lương quá thấp 2-3 triệu đồng/tháng khiến anh không đủ trang trải cuộc sống. Vì thế, sau một thời gian dài tìm việc anh đành buông xuôi và mưu sinh bằng nghề bán hàng ăn sáng.
Tương tự như anh Hiệp, chị Hoàng Thị Thu, xóm Phố, xã Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên). Chị Thu có 7 năm kinh nghiệm ngành dệt may tại Hàn Quốc, lương 20 triệu đồng/tháng nhưng khi về nước mãi vẫn không tìm việc làm được nên chị đành kiếm kế sinh nhai bằng việc kinh doanh quần áo nhưng thu nhập bấp bênh không đủ sống.
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2009 đến nay, Hải Phòng có khoảng 8000 người xuất khẩu lao động, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình và xã hội. Tuy có tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động tốt, nhưng khi về nước, nhiều lao động không tìm được việc làm tại Hải Phòng phù hợp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do do chính sách giải quyết “hậu xuất khẩu lao động” chưa được quan tâm đúng mức, khiến cho nhiều lao động sau khi trở về nước không tìm được việc làm phải tái hợp đồng ra nước ngoài làm việc hoặc chuyển sang làm tự do, lao động phổ thông.
Bên canh đó, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết do không có số liệu thống kê cụ thể để đánh giá thực trạng số lao động hồi hương không tìm được việc làm tại Hải Phòng như thế nào. Đây cũng là một trong những thiếu sót của Hải Phòng khi không có cơ sở dữ liệu để quản lý nguồn nhân lực hiệu quả.
Một số những biện pháp của chính quyền cụ thể thời gian gần đây để giúp người lao động có việc làm, đó chính là đến đăng ký tại Sàn giao dịch việc làm thành phố. Vì hiện nay có gần 600 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5-6 nghìn lao động qua mỗi phiên giao dịch tại Sàn giao dịch việc làm. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ vay vốn cho người xuất khẩu lao động về nước của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố, với mức vay tối đa là 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để ổn định cuộc sống.