Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động logistics Nhật Bản

6 years ago

Sau chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản bắt đầu vào quá trình xây dựng nền kinh tế. Hệ thống luật của Nhật Bản được ban hành trong những thập niên 50- 60 của thế kỷ XX. Nền chính trị của Nhật đi theo định hướng tư bản chủ nghĩa, chính phủ Nhật đã tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật cũng như hệ thống luật tiên tiến của thế giới, để hoàn thiện hệ thống luật nước mình, nhằm tạo cơ sở pháp lý tốt nhất cho các nhà tư bản trong nước có điều kiện phát triển. Hệ thống luật của Nhật đi theo hệ thống Civil law – mỗi lĩnh vực của đời sống, kinh tế xã hội có các luật riêng quy định một cách cụ thể và chi tiết. Hoạt động logistics có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nên cũng chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật: luật Thương mại đối với các hoạt động thương mại, quy định về hình thức của công ty, luật Giao thông vận tải, luật Môi trường… Riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải Nhật Bản đã có 25 nguồn luật điều chỉnh. Các định nghĩa cũng như các nghiên cứu khoa học về logistics của Nhật Bản do Viện hệ thống Logistics Nhật Bản (Japan Institute of Logistics System – JILS) cung cấp. Hệ thống các văn bản điều chỉnh hoạt động logistics do Bộ Kinh tế Thương mại Công nghiệp Nhật Bản (Ministry of Economy, Trade, and Industry – METI), kết hợp với JILS, Bộ Đất đai Cơ sở hạ tầng Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism- MLIT) phối hợp ban hành. Chính phủ Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành logistics. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển, quy hoạch và cung cấp vốn cho việc xây dựng các trung tâm kho băi, cảng biển, cơ sở hạ tầng cho sự phát triển ngành logistics.

Năm 1997: Chính phủ đưa ra "Chương trình chính sách logistics tổng thể – Comprehensive Program of Logistics Policies", hỗ trợ cung cấp vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng logistics chính, bao gồm đường sắt, đường bộ, sân bay, bến cảng, và các trung tâm kho vận. Năm 2001: Chính phủ ban hành kế hoạch Logistics mới (New Logistics Plan) nhằm đáp ứng được 3 xu hướng và mục tiêu cơ bản phát triển logistics, bao gồm: 1) xây dựng cơ chế ngành logistics hiệu quả, tiên tiến; 2) xây dựng cơ chế logistics phù hợp với nhu cầu của xã hội; 3) xây dựng cơ chế ngành logistics có thể đảm bảo duy trì được cuộc sống người dân.

admin