Trình độ ý thức pháp luật của nguồn lao động Việt Nam
6 years ago
So với các tiêu thức khác phản ánh chất lượng nguồn lao động, đây là tiêu thức khó lượng hoá nhất. Tuy nhiên đánh giá trình độ và ý thức pháp luật của nguồn lao động có thể rút ra một số nhận xét: Có sự chênh lệch rất lớn về trình độ và ý thức pháp luật giữa các loại lao động của nguồn lao động.
+ Về trình độ pháp luật: Những cán bộ làm chức năng quản lý và giám sát pháp luật là chuyên môn chính, họ cần phải trau dồi, còn lại trong tổng nguồn lao động, số cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế và quản trị kinh doanh là nhóm người có trình độ pháp luật cao nhất. Có thể khẳng định phần lớn nguồn lao động chưa được đào tạo cơ bản về kiến thức pháp luật, mà chủ yếu được phổ biến kiến thức pháp luật từng mặt như công nhân được học tập về luật lao động và hợp đồng lao động, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tổ chức quần chúng như luật an toàn giao thông, luật bảo vệ trẻ em, luật bảo vệ rừng… qua hệ thống truyền thanh, truyền hình trung ương và địa phương, qua các hội phụ nữ đoàn thanh niên…. Nhìn chung, sự học tập còn hạn chế do các phương tiện thông tin không đều giữa các vùng, nội dung truyền tải các kiến thức pháp luật không hệ thống… nên trình độ pháp luật của phần lớn người trong nguồn lao động có chất lượng thấp.
+ Về ý thức pháp luật: ý thức pháp luật phụ thuộc vào trình độ nhận thức pháp luật. Có nhiều vụ vi phạm pháp luật do ý thức pháp luật kém của một bộ phận người dân trong nguồn lao động từ những vi phạm về kinh tế đến vi phạm về những quy định trong kỹ thuật sản xuất…
Đặc biệt gần đây, do tác động của cơ chế thị trường nhiều nhà sản xuất vừa vô tình vừa cố ý, đã sử dụng các hoá chất trong sản xuất nông nghiệp như: Thuốc trừ sâu, các hoá chất bảo quản thực phẩm… đã làm giảm chất lượng và giảm độ an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người tiêu dùng.