Vượt qua rào cản ngôn ngữ khi du học thế nào?
6 years ago
Không ai có thể ngay lập tức hiểu hết trọn vẹn nội dung bài giảng ở lớp lúc mới bắt đầu du học. Kể cả những người có khả năng ngôn ngữ vững vàng cũng không thể thích ứng nhanh với môi trường bản xứ, nơi từ lóng được sử dụng một cách thường xuyên trong văn nói hàng ngày. Bản thân tôi, tuy sử dụng tiếng Pháp trong gia đình mỗi ngày, nhưng khi sang Pháp vẫn rơi vào cảnh “vịt nghe sấm”. Những ngày đầu tiên, tôi thậm chí còn không thể ghi chép quá một nửa trang giấy khi lắng nghe bài giảng ở giảng đường. Những năm sau này, khi đã “thuần thục” hơn trong việc sử dụng tiếng Pháp, thỉnh thoảng tôi vẫn khiến lũ bạn cười phá lên vì viết nhầm một từ vựng nào đó khi nghe giảng (đôi khi có thể dẫn đến những hệ quả vô cùng tai hại, nhất là trong môn Luật). Dài dòng văn tự để khẳng định với bạn rằng rào cản ngôn ngữ là hoàn toàn có thật và là điều hết sức bình thường. Đến một lúc nào đó đủ tự tin và “vốn liếng” trải nghiệm, tự nhiên bạn sẽ vượt qua nó một cách dễ dàng.
Vậy đâu là những điều nên làm để việc hòa nhập vào ngôn ngữ bản xứ được diễn ra nhanh chóng?
1/ Bạo dạn ngay từ những ngày đầu
Tuần lễ đầu tiên trước khi vào năm học, các trường đại học thường tổ chức các hoạt động cho phép sinh viên năm nhất gặp gỡ, giao lưu với nhau. Thậm chí họ còn được các sinh viên “đàn anh đàn chị” đưa đi tham quan quanh thành phố, tiệc tùng liên hoan làm quen với nhau. Đây là thời điểm tuyệt vời để bạn tạo dựng các mối quan hệ với bạn bè. Kể cả khi bạn chỉ mới lắp bắp được một ít từ và còn ngại ngần với vốn ngoại ngữ của mình thì hãy cứ bạo dạn tự tin giao tiếp. Biết đâu, kẻ đứng trước bạn cũng đang lăn tăn không dám ngỏ lời làm quen trước?
2/ Tạo môi trường ngoại ngữtrong đời sống
Thường thì những “nhóm hội” sẽ được thành lập từ những ấn tượng của ngày đầu tiên và họ có thể chơi thân với nhau đến cuối khóa học. Để không bị rơi vào hoàn cảnh lạc lõng với bạn bè ở lớp hoặc tệ hơn là không có lấy một người bạn sẵn sàng cho vào học nhóm chung, thuyết trình chung, bạn cần “hành động” ngay trong khoảng thời gian này. Khi đã có bạn bè, việc tụ tập sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội sử dụng ngoại ngữ. Hơn nữa, những người bạn nước ngoài có thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học chung – Bạn có thể mượn vở ghi chép của họ nếu không nghe kịp bài ở lớp.
Rất nhiều người khuyên nhủ sinh viên lớp sau không nên tụ tập với bạn đồng hương, điều này không cần phải đẩy đến mức “cực đoan”. Bạn vẫn hoàn toàn có thể vừa chơi với hội người Việt, vừa kết bạn nước ngoài ở lớp. Chỉ cần tránh tụ tập với bạn bè Việt Nam đến mức ăn, ngủ, học, chơi đều sử dụng tiếng Việt là được!
3/ Vận dụng tất cả “vốn liếng”
Dùng Từ điển trực tuyến của điện thoại, các ứng dụng trên Ipad, hay huơ chân múa tay cũng là những cách phổ biến của du học sinh khi bị bí từ. Tất nhiên bạn cũng cần lưu ý các cử chỉ tay để không bị phản tác dụng hoặc tệ hơn là gây hiểu lầm trong quá trình trao đổi. Rất nhiều người còn có những cách độc đáo hơn để phòng hờ, chẳng hạn như mang theo một quyển Từ điển bằng hình ảnh bên mình.
4/ Học hỏi, học hỏi và không ngừng học hỏi
Sẽ chẳng ích gì nếu tra Từ điển rồi bỏ đó. Cách tốt nhất vẫn là ghi chép từ vựng một cách cẩn thận trong sổ tay hay trí nhớ của bạn. Khi gặp những từ mới, bạn có thể hỏi người đối diện cách viết từ đó ra để còn dùng lại trong những hoàn cảnh khác. Nếu tiếng Anh của bạn vẫn chưa vững, đừng “bon chen” theo học các lớp ngoại ngữ mới mà thay vào đó là đăng ký các khóa nâng cao tiếng Anh.
5/ Cuối cùng, hãy năng nổ hoạt động ngoại khóa
Nếu bạn chia nhà chung với bạn bè Việt Nam thì càng phải tích cực “xuống đường”. Đăng ký tham gia vào câu lạc bộ bóng chuyển, chiều chiều ra sân đá bóng với mấy cậu bạn ở lớp, ngày ngày lên thư viện học nhóm với mấy người bạn nước ngoài sẽ giúp cuộc sống du học của bạn không chỉ thú vị, mạnh khỏe mà còn tránh được “hiểm họa” tự kỷ khi cứ ngồi nhà dán mắt vào màn hình chờ đếm like hay báo Notification ting ting trên Facebook!