Sự khác biệt cá nhân trong việc chọn nghề

5 years ago

Sự khác biệt cá nhân trong việc chọn nghề của mỗi học sinh biểu hiện ở các mặt:

- Vị trí của nghề được chọn trong các nghề khác nhau.

- Tính kiên quyết trong việc chọn nghề

- Động cơ của việc chọn nghề hay cơ sở của việc chọn nghề. Trong thực tế HS THPT chọn nghề thường thiên về các lĩnh vực đòi hỏi những tri thức mới, những nghề mới lạ, được xã hội chú ý đến nhiều. Đặc biệt là các nghề trong lĩnh vực kinh tế, những nghề hoạt động sôi nổi, những nghề đang được xã hội quan tâm... Trong quá trình học sinh trung học phổ thông hình thành xu hướng nghề nghiệp, họ đã gặp phải rất nhiều khó khăn bởi những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, do sự cản trở của dư luận xã hội... Do vậy họ rất cần được sự định hướng, sự tư vấn giúp đỡ thông qua giáo dục hướng nghiệp của nhà trường để có thể lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp.

Lựa chọn nghề nghiệp là một hiện tượng xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu về sự lựa chọn nghề nghiệp cho thấy rằng, hiện tượng này rất phức tạp và luôn thay đổi tuỳ thuộc vào những điều kiện xã hội, đặc biệt là những điều kiện kinh tế văn hoá và giáo dục. Do đó, ở hai thời điểm khác nhau thường không thấy sự giống nhau trong xu hướng chọn nghề. Có những nghề hiện không được thế hệ trẻ thích thú, nhưng chỉ sau một vài năm, có khi chúng lại ở vị trí hàng đầu trong sự lựa chọn nghề của học sinh. Ngay trong cùng một thời điểm, sự lựa chọn nghề ở địa phương này cũng không giống ở địa phương kia. Cần phải khẳng định rằng, không phải học sinh nào cũng chọn cho bản thân nghề mà mình yêu thích. Bởi vì việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh là một hiện tượng xã hội cho nên nó chịu sự tác động và chi phối đồng thời của nhiều yếu tố, các yếu tố cơ bản có thể kể đến là: gia đình học sinh, bạn bè, công tác hướng nghiệp của nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng, sở thích và hứng thú của cá nhân...

admin